Monday, July 13, 2015

Tứ Thư Lãnh Đạo - Bài 1: Nhìn Người

Tứ Thư Lãnh Đạo - Bài 1: NHÌN NGƯỜI

“Trông mặt mà bắt hình dong” là căn bệnh phổ biến tồn tại lâu nay trong xã hội.


Về điểm này, ngay từ thời Xuân Thu, Khổng Tử đã sớm nhận ra, người thời ấy chỉ dựa vào tài ăn nói và vẻ đẹp tướng mạo là có thể giành được sự trọng dụng của đức quân chủ.

Tuân Tử trong cuốn Phi Tương, ông phê phán thuật đánh giá con người của chủ nghĩa duy tâm, chỉ ra sự hoang đường của việc “trông mặt mà bắt hình dong”.

Vua Kiệt, vua Trụ tướng mạo khôi ngô tuấn tú, thân hình vạm vỡ, khí phách phi thường. Nhưng rồi người chết, đất nước suy vong, lại trở thành kẻ mang đại nhục trong thiên hạ, người đời sau hễ nhắc tới sự độc ác xấu xa đều lấy Kiệt, Trụ ra làm dẫn chứng.

Vua Nghiêu, vua Thuấn mắt có hai con ngươi; Khổng Tử tóc tai bù xù trông rất khó coi; Đại Vũ, Thương Lang chân đi cà nhắc. Đối với những người đó, chúng ta luận tài đức, học vấn hay so xấu đẹp, cao lùn.

Có thể thấy, tài năng của một người không liên quan đến tướng mạo. “Nhân bất khả mạo tướng, hải thủy bất khả đấu lượng” (Người không thể đánh giá qua tướng mạo, nước biển không thể dùng đấu để đong đếm).

Targore đã nói: “Bạn có thể nhìn vẻ ngoài để đánh giá vẻ đẹp của một bông hoa hoặc một con bướm, nhưng không thể nhìn vẻ ngoài để đánh giá một con người”.

Thực tế, trong số những người có tướng mạo xấu xí thì không ít người có tài năng và học vấn uyên bác, trong khi có rất nhiều người ngoại hình tuấn tú, xinh đẹp lại là kẻ tầm thường, không có tài cán gì.

Lãnh đạo chọn người không nên lấy ngoại hình làm tiêu chuẩn, như thế mới nhận biết và đánh giá được đúng cấp dưới thực sự có tài hay không, có đúng là người tài đức vẹn toàn hay không.

Tu dưỡng đạo đức thường bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Tai họa trong cuộc đời cũng từ những sự việc nhỏ nhặt mà dần phát triển thành. Họa và phúc đều sinh ra từ những chuyện nhỏ nhặt không dễ nhận ra.

Nhà lãnh đạo phải lấy cái nhỏ để nhìn ra cái lớn, từ những chuyện rất nhỏ mà đánh giá được con người, từ đó mới có thể nhận biết được bản chất thực sự của con người.

Con người trong giao tiếp thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới tương lai lâu dài. Vì cái nhỏ mà mất cái lớn, đó chẳng phải là đẩy bản thân tới chỗ nguy hiểm hay sao?

Đặc điểm tính cách và bản tính của một người luôn được thể hiện qua những thói quen nhỏ nhặt hằng ngày của họ như ngôn ngữ, cử chỉ hoặc cách biểu đạt tình cảm.

Người dễ dàng đồng ý với yêu cầu của người khác, nhìn thì có vẻ rất thoải mái, dễ chịu, nhưng kỳ thực là người dễ thất hứa, dễ trở thành một người không giữ chữ tín.

Người coi chuyện gì cũng đơn giản, nhìn thoáng qua thì có vẻ rất tài giỏi, nhưng khi thật sự bắt tay vào làm lại gặp phải muôn vàn khó khăn, không hoàn thành công việc.

Người thăng tiến nhanh chóng, nhìn thì có vẻ rất có tiền đồ, kỳ thực cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh.

Người bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng, nhìn có vẻ trung thành, đáng tin cậy, nhưng thực ra không biết sẽ đâm bạn sau lưng lúc nào. Loại người này là đáng sợ nhất.

Hiểu người mới dùng được người. Đây là chân lý đối với những nhà lãnh đạo, bởi chỉ có như vậy mới có thể tránh được việc dùng người một cách mù quáng.

Như thế nào là “hiểu người”? Điều kiện tiên quyết là phải đánh giá công minh, công bằng, vô tư, không thiên lệch. Lãnh đạo phải có tấm lòng như vậy mới có thể “khai quật” được nhân tài thực sự. Nhân tài giống như tảng băng trôi, 10% nổi còn 90% chìm.

Muốn trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa thì phải hiểu được những tính cách và đặc trưng riêng của cấp dưới mới có thể quản lý tốt được.

Người có đức không quá coi trọng tiền bạc, không thể dùng lợi ích vật chất để mê hoặc họ - có thể để họ quản lý tài chính.

Người dũng cảm không sợ khó khăn, gian khổ cũng không đánh gục được họ - có thể để họ giải quyết những công việc cấp bách.

Người ngu ngốc, dễ bị lừa phỉnh - không thể làm công việc đàm phán hay nhận xét, đánh giá.

Người bất trung, dễ dao động - không nên để họ biết về cơ hội kinh doanh.

Người ham muốn tiền tài, dễ bị dụ dỗ, mê hoặc - không nên để phụ trách quản lý tài chính.

Người nặng về tình cảm, dễ thay đổi ý kiến - không nên để họ phụ trách công việc phải ra quyết sách.

Một lần, công ty Honda tuyển nhân viên. Giám đốc phụ trách tuyển dụng cứ đắn đo không biết chọn ai trong hai ứng viên, bèn xin ý kiến của Soichiro Honda. Ông trả lời: “Hãy chọn người khác thường nhất”.

Nhân tài không có cá tính nổi bật thì không thể tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc sắc.

Nhân viên của Honda thường có hai loại: Một là thích xe Honda đến mức say mê, họ không so đo tiền lương hay đãi ngộ cao thấp, mà chỉ muốn tự tay mình nghiên cứu, chế tạo và phát minh ra những chiếc xe Honda kiểu mới. Hai là những nhân tài có tính tình cổ quái, lập dị, họ hoặc mang những suy nghĩ kỳ lạ, khác thường hoặc thích đưa ra những ý kiến bất đồng, hoặc đam mê sáng tạo, phát minh.------------------------------   Hot!

No comments:

Post a Comment

The most valuable asset you can possess is a positive attitude about life

---"--I CAN DO IT --"---

"DE + KHO = LAM DUOC"